Bác sĩ Lim Boon Leng, bác sĩ tâm thần từ Trung tâm Sức khỏe tâm lý Dr BL Lim (Singapore), giải thích rằng một số trẻ em có khả năng tập trung thấp hơn những trẻ khác cũng giống như việc có sự khác biệt về chiều cao giữa các trẻ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp sự không tập trung hay quá năng động của trẻ có thể là triệu chứng của hội chứng Rối loạn tăng động chú ý (ADHD). Theo các chuyên gia thì trẻ có vấn đề về rối loạn tăng động cũng có biểu hiện hay lo lắng, bồn chồn và thể hiện các hành vi hiếu động. Đến năm 4 tuổi, hầu hết các trẻ em đều có khả năng ghi nhớ và tập trung tốt hơn, tuy nhiên sự phát triển của trẻ còn phụ thuộc vào môi trường, các mối quan hệ và hành vi của trẻ.
Nếu như bạn đã thử các phương pháp giúp trẻ tập trung và chú ý hơn nhưng không có kết quả và trẻ vẫn có các biểu hiện sau đây, hãy thử đưa trẻ đến các trung tâm y tế để kiểm tra:
- Thường xuyên không tập trung, hiếu động và có những hành vi mất kiểm soát.
- Gặp khó khăn trong việc học tập hay tương tác hàng ngày với mọi người.
- Chia sẻ với bạn về những cảm giác sai trái khi thực hiện các hành vi nào đó.
- Có sự thay đổi đột ngột trong hành vi sau khi bị chấn thương đầu hoặc sốt.
Nếu như con bạn không có bất kỳ biểu hiện đáng lo ngại nào mà bạn vẫn không thể giữ trẻ đứng yên, hãy thử những mẹo sau đây để giữ trẻ bình tĩnh:
1. Cho trẻ ra ngoài chơi
Việc được tận hưởng không khí trong lành là một thay đổi thú vị dành cho trẻ sau khi bị mắc kẹt trong nhà một thời gian dài. Trẻ sẽ nhận được một số vitamin D khi sử dụng năng lượng của mình để vui chơi ngoài trời. Bác sĩ Lim cũng nói thêm: "Ra ngoài chơi với con giúp cải thiện mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, giúp trẻ dễ dàng tiếp thu những hướng dẫn của bạn. Ngoài ra, các hoạt động vui chơi đòi hỏi tinh thần nỗ lực cũng giúp cho việc củng cố thái độ và khuyến khích các hành vi tích cực ở trẻ".
2. Đánh lạc hướng trẻ bằng thứ khác
Các bác sĩ khuyên rằng, việc giữ cho trẻ bận rộn bằng một hoạt động thú vị khác giúp trấn an trẻ tốt hơn. Nếu cùng trẻ ra ngoài chơi, bạn có thể mang theo một số đồ chơi hay những thứ mà trẻ có thể tự giải trí như sách hay nhạc cụ,… những thứ này sẽ giúp cho trẻ tập trung và không có thời gian để gây ra tiếng ồn hay chạy nhảy xung quanh.
3. Nghỉ giải lao giữa mỗi hoạt động
Những trẻ nhỏ hơn có khoảng thời gian chú ý ngắn hơn, do đó thời gian mà trẻ tập trung chỉ có thể kéo dài một vài phút. Nếu như trẻ nhà bạn có quá nhiều năng lượng, việc bạn yêu cầu trẻ yên lặng và không làm gì trong thời gian dài có thể khiến trẻ bùng phát các hành vi không tốt. Do đó, bác sĩ Lim đề nghị bạn nên chia một hoạt động thành các đoạn ngắn và nghỉ giữa chừng để trẻ có thể giải lao trước khi quay lại làm mọi thứ một cách nghiêm túc.
4. Cho trẻ khoảng không gian yên tĩnh
Theo các chuyên gia, một trong những cách giúp trẻ bình tĩnh là tạo cho trẻ một không gian để yên tĩnh và tập trung. Ví dụ, bạn có thể chuẩn bị cho trẻ một góc nhỏ trong nhà thật yên tĩnh, nơi trẻ có thể ở đó để lấy lại sự tập trung khi có các hành động mất kiểm soát.
5. Chuẩn bị cho trẻ một vài phần thưởng
Bạn có thể thiết lập một hệ thống điểm thưởng dành cho trẻ mỗi khi trẻ thực hiện tốt các nhiệm vụ. Một vài phần thưởng nhỏ như một que kem, món đồ chơi nho nhỏ sẽ được dành cho trẻ khi trẻ hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian hợp lý, sẽ là động lực giúp trẻ thực hiện các hành vi tốt trong thời gian cho phép.
Các bậc cha mẹ cũng nên tránh việc chỉ trích hay trừng phạt con mình khi có một vài hành vi quá khích, mà thay vào đó cha mẹ nên thử thực hiện một vài biện pháp giúp trẻ cải thiện tình hình.
Để lại bình luận